CÂY SỰ SỐNG

Việc hái trái cây hiểu biết đã là một tội tầy đình. Chúa đã cảnh cáo điều đó trong trình thuật Kinh Thánh, và Ngài còn cảnh cáo tiếp về một chuyện tày đình hơn, chuyện cấm kị tuyệt đối, đó là việc nhúng tay vào cây sự sống.

Sách Khởi-nguyên viết, Chúa đã sai các thiên thần Che-ru-bim cầm gươm lửa đứng canh phía đông vườn địa đàng, để không ai được tới gần cây đó, cho tới khi ngày phán xét đến. Chúa nói trong Kinh Thánh «Vâng, con người giờ đây đã trở thành giống Ta, vì nó nhận ra sự lành sự dữ. Giờ đây, chỉ còn việc là không để nó vươn tay tới cây sự sống, hái trái ăn và sống đời đời!» Phải chăng Chúa muốn dựng lên một biên cương cuối cùng ở đây ? Nếu vượt qua, đương nhiên con người sẽ tự huỷ diệt mình ? 

Những hình ảnh lớn trên đây của Khởi-nguyên, rốt cuộc, không thể giải thích hết được và sẽ không bao giờ hoàn toàn cạn ý nghĩa. Chúng còn bao gồm các chiều kích khác vượt lên trên mọi nhận thức của ta.

Trước hết, tôi muốn trình bày cái nhìn cổ điển do các giáo phụ khai triển về những hình ảnh đó. Các ngài cho rằng, con người không được gần cây sự sống, là vì con người đã ăn trái cây hiểu biết, và do đó tự đưa mình vào một tư thế không còn xứng hợp. Khi đưa tay hái trái cây đó, con người đã chuốc vào mình một số phận thảm thương. Trước hoàn cảnh mới này, Chúa bảo, con người không được gần cây sự sống nữa, bởi vì, nếu như nó bất tử trong tình trạng này, thì quả đó là điều khốn nạn cho nó.

Như vậy, việc cấm tới gần cây sự sống, là nơi gắn liền với số phận sự chết, là một ân huệ. Nếu chúng ta phải bất tử trong tư thế ta đang sống, thì đó không phải là một tình trạng đáng mong. Trong một cuộc sống với quá nhiều hỗn mang, thì cái chết là một hồng ân, tuy nó vẫn là một mâu thuẫn và là một biến cố bi thảm đối với từng người. Bởi vì nếu không, cuộc sống theo kiểu đó sẽ nên bất tử, và thế giới như thế sẽ trở thành nơi hoàn toàn không thể dung thân được.

Phải chăng sứ điệp của hình ảnh trên ngày hôm nay phải được lưu tâm hơn bao giờ hết ?

Dĩ nhiên ta có thể đi sâu hơn vào ý nghĩa của những hình ảnh đó. Nếu giờ đây ta thấy con người, khi đã nắm được các mật mã di tử, bắt đầu chiếm hữu cây sự sống, và tự coi mình là chúa sự sống, có thể lắp ráp sự sống ra mới, thì như vậy, họ đã thật sự vượt qua lằn biên cuối cùng mà đáng lẽ họ phải giữ.

Với kĩ năng xảo thuật đó, con người biến con người thành tạo vật của mình. Do đó, con người không còn xuất phát từ bí mật tình yêu, nghĩa là không còn được hình thành từ tiến trình tạo thai và sinh hạ vốn đầy bí ẩn nữa, nhưng là một sản phẩm kĩ nghệ. Nó được tạo ra bởi người khác. Như vậy, nó bị cướp mất phẩm giá và hào quang tạo dựng riêng của nó. Ta không biết tương lai của lãnh vực này rồi sẽ ra sao, nhưng ta có thể xác tín : Chúa sẽ ra tay chống lại tội ác tự huỷ của con người. Ngài sẽ chống lại việc dày đạp con người, sẽ chống lại việc con người tạo ra những đồng loại nô lệ. Có những đường biên cuối cùng, mà nếu ta bước qua, ta sẽ trở thành những tên phá hoại tạo dựng, và lỗi phạm của ta còn vượt xa tội tổ tông và các hậu quả tiêu cực của nó.

Vấn đề dùng xảo thuật để cải biến sự sống con người đã trở nên cấp tính.

Sự sống con người là bất khả nhượng, không thể có chọn lựa nào khác ở đây. Phải dựng lên nơi đây một biên giới cho hành động, khả năng, khuôn phép và thí nghiệm của con người. Con người không phải là một đồ vật. Song mỗi người là đại biểu cho sự hiện diện của Chúa trên trần gian.

Đôi lúc xem ra đường ranh đó không còn ở trước ta nữa, nhưng đã bị ta vượt qua rồi. Với kĩ thuật di tử, con người có được một dụng cụ mới cho phép họ lần đầu tiên toàn quyền sử dụng toàn bộ vật liệu di truyền trên hành tinh này.

Sự sống đã bị biến thể từ khá lâu rồi. Đã có tới hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn bào thai không được hình thành qua hành động giao phối bình thường, nhưng qua việc kết hợp tinh trùng và trứng bên ngoài dạ mẹ. Có những đứa trẻ có tới ba mẹ : mẹ cho trứng, mẹ mang thai và mẹ nuôi. Có những trẻ có cha đã mất nhiều năm trước khi chúng sinh ra.

Trong tương lai, rất có thể người ta sẽ tạo ra trẻ theo í muốn, theo phái tính, màu mắt, chiều cao, sức nặng, hay có thể kéo dài sự sống với một thân xác khác. Cuối 1999, khi một nhóm nhà khoa học đã hoàn tất mở khoá được một trong 24 chromosomen của con người (tuy là một trong những chromosomen nhỏ bé, nhưng mỗi cái chứa khoảng 30 triệu thông tin di truyền), một bà trong nhóm đã nói với phóng viên : Quả là một « công việc hỏa ngục ». Có thể nhà khoa học đó có lí ?

Đúng, rất tiếc có thể đúng như vậy. Nhưng trước hết, ta phải phân biệt giữa cái con người làm và cái con người là. Bất cứ ai được sinh ra từ ống nghiệm đều cũng là người, và ta vẫn yêu và chấp nhận họ như là người. Việc ta phải chống lại lối tạo người bằng ống nghiệm không có nghĩa là ta đóng ấn những người được sinh ra bằng cách đó. Dù vậy, ta vẫn nhận ra nơi họ cái bí ẩn của con người và chấp nhận họ như là người. Đó là điều rất quan trọng, tôi tin như thế.

Quả thật đã có sự vượt rào gia trọng, như anh nói. Giáo Hội công giáo, ngay từ đầu, đã cảnh báo việc chế tạo con người. Lối chế tạo đó, thoạt tiên, diễn ra dưới những hình thức vô tội, như mọi chuyện vẫn luôn khởi đầu một cách vô tội. Trước hết, người ta bảo là để giúp cho những cặp vợ chồng không con. Vấn đề ở đây chưa phải là gia trọng, nếu quả thật đó là những vợ chồng thành tâm muốn có được con bằng cách ấy. Tuy nhiên, ở đây, người ta cũng bắt đầu tuột dốc, khi tin rằng, mình phải có con bằng bất cứ giá nào, mình phải có quyền có con. Với kiểu đó, đứa con trở thành một của cải thuần tuý. Nó không còn được sinh ra từ tự do của Tạo hoá nữa, tự do này cũng được thể hiện nơi sự bất lường của tự do nơi thiên nhiên.

Tôi nghĩ, cái nguy cơ lớn của ngày nay, nói chung, là xem con như một quyền, như một của cải. Các cha mẹ không những muốn phô trương chính họ qua của cải đó, mà còn qua đó nhắm vớt vát lại những gì họ chưa thành đạt. Có thể nói, qua con cái, họ lặp lại chính cuộc đời mình một lần nữa và để được xã hội công nhận. Vì vậy mới có sự chống đối của con cái. Chúng chống cha mẹ, vì chúng muốn thể hiện quyền muốn được là chính chúng.

Chính mỗi người được sinh ra từ tự do của Chúa, và ở trong tự do đó với quyền riêng của mình. Giáo dục gia đình là để hướng trẻ tới cái riêng tư của chúng, chứ không phải là để cho cha mẹ, đó là trọng điểm đích thực của các chương trình giáo dục phản quyền uy hiện nay. Nhưng điểm sai của các chương trình này là chủ trương hoàn toàn vứt bỏ giáo dục, với lập luận rằng, giáo dục sẽ lèo lái tự do và có thể bóp chết tự do. Tự do cần được giúp đỡ để cất cánh, nó cần được nâng đỡ qua sự đồng hành. Và một lối giáo dục thật sự cảm thông sẽ không nhắm lái trẻ theo mình, nhưng là giúp chúng phát triển hình hài và mở ra con đường riêng của chúng.

Xin trở lại một lần nữa về việc lắp ráp, chế tạo con người …

Như đã nói, việc làm khởi đầu vô hại, tỏ ra vì con người, nhưng khi coi đứa con không còn là quà tặng nữa, mà là sở vật phải tạo ra nếu cần, lúc đó là ta đã bước qua lằn biên. Hành vi kĩ thuật, bao gồm cả việc thụ thai ống nghiệm, giờ đây thay thế cho một hành vi tình yêu. Từ đây, những vấn nạn kế tiếp sẽ được đặt ra. Trước hết, làm gì với số phôi gọi là thặng dư, phôi đó đã là người, nhưng lại bị xử lí như là những sản phẩm dư thừa.

Với lối xử lí hiện tại, hàng ngàn sự sống đã bị giết hàng loạt.

Nhiều hậu quả khác cứ thế theo nhau xẩy ra, chúng rốt cuộc từng bước làm biến đổi tương quan đối với con người. Rồi cái gì sẽ diễn ra tiếp, bắt đầu từ lúc nào sẽ nổ ra tai hoạ kiểu nào, ta chưa biết được. Cám ơn Chúa là ta không biết. Nhưng ta biết, ta phải chống lại việc dùng xảo thuật cải biến sự sống và việc tuỳ nghi sử dụng sự sống. Không phải ta chống lại tự do của khoa học hay cản ngăn những khả thể của kĩ thuật, nhưng là bảo vệ tự do của Chúa và phẩm giá con người, vì hai thứ đó đang gặp nguy. Ai có được lối nhìn đó nhờ đức tin – khá nhiều người không phải ki-tô hữu cũng có cái nhìn như vậy -, đều có bổn phận làm nổi bật lằn biên đó lên và làm cho người khác chấp nhận dừng lại trước lằn biên đó.